Đề xuất bỏ xếp thứ tự học sinh theo điểm được đưa ra tại hội thảo về trường học hạnh phúc ở Hà Nội sáng 20/10,ườnghọcMỹxếphạnghọek88 nhận được sự hưởng ứng của nhiều người. Theo một số nhà quản lý giáo dục, việc này giúp giảm áp lực điểm số trong trường học. Tuy nhiên, ở nhiều nước, như Mỹ, việc xếp hạng bằng điểm số vẫn là phổ biến và có ý nghĩa quan trọng ở hệ thống trung học.
Ông Trần Đắc Minh Trung, thạc sĩ Giáo dục Đại học Harvard, cho biết khoảng 50% trường của Mỹ có xếp hạng học sinh, phổ biến nhất ở trường công.
"Trường công sẽ có hai xếp hạng: trường và bang. Ví dụ, học sinh xếp hạng 17 ở trường thì tương ứng với top bao nhiêu % của bang", ông Trung nói.
Mục đích xếp hạng là bảo đảm quyền lợi của học sinh, theo ông Trung. Em nào giỏi hơn sẽ được học trường tốt hoặc được hưởng trợ cấp tài chính của chính phủ. Một số đại học công ở bang Texas và California có chính sách tự động nhận học sinh nằm trong top 10% của trường trung học, tức bạn nào đứng trong top 40 của khối sẽ gần như chắc chắn được tuyển thẳng vào trường.
Theo ông Văn Tấn Hoàng Vỹ, Hiệu trưởng Van Houston Academy, ở thành phố Houston, bang Texas, việc xếp hạng học sinh ở Mỹ có tính cạnh tranh cao. Ví dụ khối 12 có 700 học sinh, trường sẽ xếp từ 1 đến 700 và ghi rõ trong bảng điểm. Bảng điểm vào cuối năm lớp 11 ghi 125/700, tức là học sinh xếp thứ 125 trên 700, sẽ được dùng để nộp đơn vào đại học đầu năm lớp 12.
Khác với Việt Nam xếp thứ tự học sinh theo lớp, các trường ở Mỹ đánh giá theo khối, dựa trên điểm trung bình (GPA). Ví dụ, khối 12 có 400 em, học sinh có điểm cao nhất sẽ được coi là valedictorian (thủ khoa) khi tốt nghiệp, điểm cao nhì là salutorian (á khoa). Điểm số của học sinh được thông báo qua email và đảm bảo bí mật.
Trường tư ở Mỹ cũng được quyền xếp hạng học sinh, song không theo đuổi cách này mà có chính sách riêng do chất lượng học sinh không đồng đều. Thông thường, các trường tư đánh giá bằng điểm GPA. Ví dụ môn Toán có lớp thường và lớp nâng cao (lớp AP). Điểm A của lớp nâng cao được tính là 5.0, trong khi lớp thường là 4.0.
"Những em chọn lớp AP và đạt điểm A sẽ được xếp hạng cao hơn. Em chọn lớp thường dù được 100 điểm thì vẫn xếp thấp so với học sinh lớp nâng cao", ông Vỹ giải thích. Do đó, nhiều phụ huynh thấy con toàn điểm A nhưng xếp hạng thấp, là do toàn chọn lớp thường.
Với những học sinh có kết quả học tập xuất sắc nhất trường, ông Vỹ thường xác nhận thêm vào bảng điểm để học trò thuận lợi hơn khi nộp đơn vào đại học.
Các trường đại học sẽ dựa vào các dữ liệu để biết học sinh đó đến từ trường công hay tư. Với học sinh trường công, họ nhìn vào thứ hạng, còn trường tư sẽ xem xét kỹ hơn điểm trung bình, điểm của từng môn, độ khó của mỗi môn học (lớp thường với lớp AP), bài luận hay hoạt động ngoại khóa.
"Ở Mỹ không có một kỳ thi chung để xét tuyển đại học, các trường chỉ căn cứ vào điểm bốn năm cấp 3. Do đó quá trình học trung học cực kỳ quan trọng", ông Vỹ nói.
Các chuyên gia giáo dục thừa nhận việc xếp hạng gây áp lực cho học sinh khi phải học nhiều để giữ điểm cao và luôn cố gắng đạt GPA từ 3.0 trở lên, song đó là cách để vào các đại học danh tiếng.
Tuy nhiên, việc này cũng bất công ở chỗ, trường đại học chỉ nhìn vào con số mà không quan tâm trường trung học của ứng viên chất lượng như thế nào. Có kinh nghiệm hướng dẫn học sinh làm hồ sơ đại học, ông Vỹ nhận thấy những em đứng nhất, nhì trường làng có xác suất vào trường Ivy League cao. Trong khi không ít em đạt SAT 1580/1600 nhưng học trường có nhiều học sinh giỏi nên xếp hạng không cao, giảm lợi thế.
Dù vậy, xếp hạng chỉ cần thiết với với học sinh cấp 3. Với các cấp học dưới, điểm số hay xếp loại chỉ để phụ huynh biết khả năng của con mình tới đâu, theo ông Vỹ.
Thạc sĩ Giáo dục Đinh Thu Hồng, giáo viên tiểu học tại học khu Gwinnett, tiểu bang Georgia, cho biết thêm bảng điểm của các cấp dưới chỉ có giá trị nếu học sinh muốn vào trường chuyên, lớp chọn hay trường tư nổi tiếng trong thành phố.
Cô Hồng nói phải có điểm mới đánh giá được học sinh. Cấp học nào cũng có điểm tổng kết và các trường vẫn xếp loại, đánh giá theo điểm số. Ở bậc tiểu học, mỗi học kỳ có 2 quý, mỗi quý ít nhất phải có 9-10 điểm của hai môn chính, Toán, Văn, và 6-8 điểm của các môn phụ như Khoa học, Xã hội học...
Ở trường cô Hồng, cuối năm sẽ có tổng kết xếp loại học sinh và trao giấy khen. Thông thường sẽ có những loại giấy khen như AB Honor roll, A Honor roll và Principal Award.
Trong đó, A Honor roll dành cho học sinh xuất sắc, tức là điểm tổng kết các môn phải toàn A (90-100). Trung bình một lớp có 6-8 em được. AB Honor roll tương tự như học sinh giỏi, điểm tổng kết từng môn đạt A (90-100) và B (80-90). Mỗi lớp có 8-10 em đạt, trên tổng số 20-26 học sinh. Principal Award trao cho những học sinh giỏi nhất khối, theo từng môn hoặc tất cả môn cộng lại, chỉ dành cho một học sinh.
Song song đó, các giáo viên cũng được yêu cầu nghĩ ra giải thưởng cho tất cả học sinh còn lại. Ví dụ học sinh hay nói chuyện, cô Hồng trao giấy khen "Người giỏi giao tiếp", hay em nào hiếu động, nghịch ngợm sẽ nhận danh hiệu "Bạn năng động nhất lớp".
"Việc để cho ai cũng được đứng lên nhận bằng khen trong ngày tổng kết không phải bệnh thành tích, nó mang ý nghĩa quan trọng hơn nhiều: để các em đều có cảm giác thành công và thấy mình đặc biệt, được quan tâm", cô Hồng, giáo viên lớp 3, chia sẻ.
Bình Minh